Câu chuyện gia đình



KHI VỢ CHỒNG KHÁC TÔN GIÁO
ĐIỂM CHUNG NÀO ĐỂ DUNG HÒA ?
VŨ NGUYỄN ANH THẢO
---------

GẶP YÊU, ĐƯỢC YÊU VÀ LẤY NGƯỜI CÙNG TÔN GIÁO THÌ THẬT LÝ TƯỞNG, NHƯNG KHÔNG PHẢI AI CŨNG CÓ MAY MẮN ĐÓ. HIỆN VẪN CÒN KHÔNG ÍT NHỮNG ĐÔI BẠN KHI QUYẾT ĐỊNH TIẾN TỚI HÔN NHÂN ĐỀU CÓ CÙNG BĂN KHOĂN CỦA CẢ CÁC BẬC CHA MẸ Ở NHIỀU GIA ĐÌNH : ANH ẤY HOẶC CÔ ẤY CÓ “CÙNG ĐẠO” HAY KHÔNG ?
Khi đôi bạn vượt qua rào cản tôn giáo để tiến tới hôn nhân với giao ước “đạo ai nấy giữ”, không phải đôi nào cũng êm ả trong đời sống gia đình sau khi kết hôn. Nhưng nói vậy cũng không có nghĩa là hôn nhân chỉ hạnh phúc thực sự khi cả hai cùng một niềm tin, tín ngưỡng. Thực tế, cũng có những cặp vợ chồng khác tôn giáo vẫn sống hạnh phúc vì biết dung hòa và tôn trọng niềm tin công giáo không những của riêng người bạn đời mà còn cả gia đình bên vợ, bên chồng… Có dịp gặp những đôi vợ chồng ấy, chúng tôi đã được chia sẻ những “bí kíp” hạnh phúc từ cuộc sống đời thường của mỗi người.


Chị Bùi Thị Hậu, 32 tuổi, là tiểu thương ở chợ. Chị vốn là người Phật giáo, kết hôn với anh Vũ, đạo Công giáo. Hai anh chị đã có với nhau một mặt con và hiện sống thật hạnh phúc trong căn nhà nhỏ trên đường Trần văn Đang (quận 3, TP.HCM). Chị kể, mỗi lần gia đình chị ở Hốc Môn có giỗ chạp, anh Vũ vẫn tham gia góp tiền, góp công nấu nướng, dọn dẹp. Và sau những nghi thức tôn giáo của gia đình nhà vợ diễn ra xong, anh lại “hồn nhiên” tiếp đón khách mời, vui vẻ đốt nhang xá bàn thờ ông bà. Còn chị Hậu, sống với gia đình chồng, một mực kính trọng cha mẹ, anh chị của chồng. Những ngày lễ của Công giáo, chị tình nguyện mua bông hoa dâng Chúa, dâng Mẹ Maria, nấu các món ăn ngon trong những dịp lễ lớn như lễ Giáng sinh, Phục sinh… Cả hai anh chị đều cho biết, dù trước khi kết hôn, mỗi người có một tín ngưỡng riêng nhưng giờ thì cả hai đều hòa hợp, tôn trọng tín ngưỡng của nhau để giữa vợ chồng và gia đình hai bên nội ngoại không nảy sinh mâu thuẫn hay bất đồng quan điểm.


Chị Dương Kim Hà, 41 tuổi, người Công giáo, là công nhân, kết hôn với anh Phạm Văn Dũng, gia đình đạo Phật. Anh chị đã có hai con : Con lớn năm nay đã 18 tuổi, bé út cũng đã lên 10. Cuộc sống gia đình của anh chị trôi qua êm đềm. Hỏi về bí quyết “hòa đồng tôn giáo”, chị kể : “Lễ giỗ, tôi cũng phụ gia đình làm những món chay, tôi tập tành làm đồ chay, ban đầu vụng về, dần cũng ngon hơn. Các nghi lễ “thờ cúng tổ tiên” trong gia đình chồng, tôi đều am hiểu và tuân thủ. Tôi thấy cũng không có gì phức tạp cả. Còn anh Dũng thì đối với gia đình bên nhà tôi cũng rất lễ độ, một mực kính trên nhường dưới. Các nghi lễ tôn giáo bên đạo mình, anh ấy cũng đều tôn trọng, không bao giờ tỏ thái độ “bài bác” hay khinh chê…”.


Chị Thanh Phương, 42 tuổi, hiện là giáo viên Trung Tâm Bảo Trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (TP.HCM) kết hôn với anh Quân, 47 tuổi, làm việc tại công ty men bánh mì Cát Tường. Anh là con trai độc nhất trong gia đình đạo Phật, chị Thanh Phương đạo Công giáo. Sau hơn 10 năm chung sống hạnh phúc với hai mặt con : Bé Mai Anh đang học lớp 8, bé Uyên đang học mẫu giáo. Chị Phượng vẫn đều đặn chở mẹ chồng đi tịnh ở chùa ngày Chúa nhật. Anh Quân vẫn cùng vợ đi lễ nhà thờ, tham gia ca đoàn và những hội đoàn Công giáo khác. Chị Phương cũng học nấu đồ chay để phục vụ những ngày cúng giỗ của gia đình chồng. Cũng như chị Kim Hà, chị Phượng và anh Quân cùng nói : “Khác tôn giáo không phải là rào cản hay chướng ngại gì khi cả hai cùng yêu thương và tôn trọng lẫn nhau”.


Theo anh Thắng, 53 tuổi, đạo Phật, lấy vợ là chị Lộc, người Công giáo quê ở Đồng Nai thì : “Điều quan trọng của những cặp vợ chồng khác tôn giáo là biết cảm thông, chia sẻ và tôn trọng niềm tin của nhau. Chẳng hạn như tôi đạo Phật nhưng cũng thuộc kinh bên Công giáo, cũng cùng đi lễ nhà thờ với vợ. Còn vợ tôi cũng biết những lễ nghi của gia đình tôi, biết nấu thức ăn chay, biết tôn trọng những ngày giỗ chạp của họ hàng nhà chồng. Vậy là ổn”. Ổn thật khi anh chị hiện là chủ tịch một dịch vụ Internet ở quận 3 (TPHCM), có hai con trai thành đạt. Anh Thắng, chị Lộc vừa mừng thôi nôi cháu nội đầu tiên trong niềm vui ấm áp.


Còn rất nhiều trường hợp cả hai vợ chồng khác tôn giáo nhưng vẫn sống đến tuổi “xưa nay hiếm”. Thực tế, nhiều cặp vợ chồng từ nhà thờ hoặc trong chùa bước ra chưa hẳn 100% đều cùng tôn giáo, vậy mà họ vẫn cùng đi lễ với nhau thật hạnh phúc. Theo chị Kim Hà, đạo nào cũng tốt, cũng dạy điều hay lẽ phải, cùng dạy làm lành lánh dữ, hiếu nghĩa cùng cha mẹ… không có lý do gì phải kỳ thị lẫn nhau. Chuyện tôn giáo là rào cản chỉ là cái cớ khi cả hai không thực sự yêu nhau mà thôi…


Còn anh Quân, chồng chị Phượng thì thổ lộ : “Trước khi nói đến đạo này đạo nọ, chúng ta nên có Đạo Làm Người,Làm Người tức là tôn trọng và quý mến niềm tin của nhau. Đừng mang tôn giáo ra làm cái cớ để bỏ nhau”. Chị Hậu thì cho rằng : “Tôn trọng lẫn nhau vẫn là cốt lõi của hạnh phúc. Tôn trọng lẫn nhau có cả tôn trọng niềm tin của nhau. “Của nhau” đó là có cả của hai gia đình…”.



KHI CON... VÔ LỄ


                                    Nguyễn Thị Thùy Dung
                                           ------------------




Thanh An (16 tuổi, Hà Nội) đi học về đến nhà nhưng không thấy bố mẹ ra mở cửa, cũng chưa thấy bữa tối được chuẩn bị sẵn sàng như mọi hôm. Cô cảm thấy khá bức bối nên khi bố mẹ vừa về đến nhà (do phải làm tăng ca ở công ty), cô nhóc đã "mắng" xối xả và "dỗi" bố mẹ ra mặt. Bố mẹ An đứng chết trân nghe con mắng, cứ ngỡ mình là "con" chứ không phải "bố mẹ". Làm việc cả ngày vất vả nhưng về đến nhà, hôm đó dù mệt mỏi, dù đã muộn bố mẹ An vẫn phải lao vào cơm nước phục vụ... "công chúa".


Trần Phan (17 tuổi, TP. Bắc Giang) là người ngoan ngoãn trong mắt mọi người. Nhưng ít ai biết rằng, ở nhà, Phan là một đứa con vô lễ, thường xuyên thiếu tôn trọng bố mẹ. Thậm chí, trong một lần tranh cãi, cậu còn nói năng rất hỗn láo với mẹ. Chị Dung nhiều lần cảm thấy uất ức nhưng rồi lại chọn cách câm lặng cho yên cửa ấm nhà. Nhưng chị đâu biết rằng, không phải lúc nào một sự nhịn cũng là chín sự lành.

Thật đáng buồn khi những tình huống như thế đang diễn ra ngày một nhiều trong đời sống. Nhiều ông bố bà mẹ luôn cố gắng để trở nên tâm lý và thân thiện hơn với các con, trong khi các con ngày càng cư xử vô lễ với bố mẹ, với những người lớn tuổi, thuộc thế hệ trước mình.

Báo chí thời gian qua đã đưa tin về một ca sĩ nổi tiếng, thần tượng của một bộ phận không nhỏ giới trẻ. Vì bị tiền bối đưa ra góp ý một cách thẳng thắn, chàng ca sĩ này đã phản ứng một cách tiêu cực bằng cách sử dụng những "mỹ từ" hoàn toàn không thích hợp để nói về những người đi trước. Khi mà thần tượng cũng có cách cư xử vô lễ, thiếu lễ độ như vậy, chẳng trách giới trẻ ngày một kênh kiệu, chỉ coi trọng cái tôi cá nhân mà không bận tâm người khác nghĩ sao, cảm thấy như thế nào.

LỖI Ở ĐÂU ?

Cách cư xử của bố mẹ : Không thể phủ nhận rằng cách giáo dục, cách cư xử của bố mẹ tác động rất lớn đến hành vi của những đứa trẻ. Khi bố mẹ chúng không biết cách tôn trọng lẫn nhau, thậm chí không tôn trọng chính bố mẹ của mình, những đứa trẻ cũng học theo mà vô lễ với tất cả mọi người.

Sự nuông chiều của bố mẹ : Nhiều người có suy nghĩ rằng cha mẹ sinh con trời sinh tính. Khi thấy con cư xử thiếu văn hóa, liền tặc lưỡi, rồi sau này lớn lên nó sẽ hiểu. Nhưng điều đó, liệu có trể trở thành sự thật khi mà đứa trẻ ngày một lún sâu và ngấm dần cách hành xử tồi tệ đó. Trong những trường hợp như thế, hãy kiên quyết hơn để đứa trẻ biết rằng chúng không được khuyến khích để làm như vậy.

PHẢI LÀM SAO ?

Cha mẹ phải tôn trọng những người hơn tuổi mình, tôn trọng những người xung quanh để các con có thể nhìn vào và học tập. Hãy cố gắng trở thành tấm gương tốt nhất cho cho con.

Kiên quyết phản đối cách cư xử không tốt của con.

Phân tích cho con hiểu, việc cãi tay đôi với người lớn tuổi là vô lễ. Người lớn tuổi luôn cần được tôn trọng.

Dạy con cách đón nhận lời phê bình, kiềm chế cảm xúc của bản thân để không nổi xung khi nghe những lời góp ý hay khi bị phê phán.

Dạy con ghi nhớ, rằng muốn được người khác tôn trọng, trước hết cần tôn trọng người khác.●


           DẠY CON SỐNG CHÂN THẬT

Hoàng Lan

--------------
 Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ nói dối mà trong đó , sự "tiếp tay" vô tình của phụ huynh chiếm phần không nhỏ. Thậm chí, đôi khi cha mẹ còn ép con nói dối mà không nhận ra.

Sự tiếp tay của người lớn

Trước hết, bố mẹ cần nhận thức rằng nếu bản thân mình thường xuyên nói dối thì yêu cầu ở con sự thành thật là điều không thể. Bé Hà Anh (Đông Hà, Quảng Trị) tỏ ra rất hứng chí với phát hiện của mình : "Ba mẹ hay nói sẽ lấy kéo cắt lưỡi của con nếu con hỗn nhưng chưa bao giờ ba mẹ làm thật cả". Ai cũng biết khi trẻ con đã không tin cha mẹ thì khó mà nói cho chúng vâng lời, nhất là khi những việc người lớn nói dối cứ liên tục diễn ra trước mắt chúng : "Có hôm con nghe ba nói trong điện thoại rằng nhà có đám giỗ nên không đi làm được, trong khi ba chỉ nằm nhà xem ti vi, đâu có đám giỗ gì đâu. Người lớn cũng nói dối vậy ! ". Để lấy lại niềm tin từ trẻ nhỏ là một nhiệm vụ khó khăn nhưng không phải không làm được. Bài học cơ bản là dành thời gian để lắng nghe trẻ, phân tích cho trẻ biết đúng sai nhưng người lớn lại thường bỏ qua việc này, viện lý do bận rộn hoặc chủ quan cho rằng "chúng còn nhỏ, chắc không hiểu gì đâu".
Tiếp đến, nếu người lớn không định thực hiện hình phạt thì không nên viện hình phạt để đe dọa, khiến trẻ mất lòng tin. Thay vào đó, cha mẹ nên chọn cách đưa ra những nguyên tắc, nếu trẻ vi phạm các nguyên tắc đó, chúng sẽ không được đi chơi cuối tuần, không được thưởng quà, không được ăn kem.v.v...
Đặc biệt, tâm lý học trẻ em chỉ ra rằng : Bé càng lanh lợi, nhanh nhẹn thì mức độ nói dối càng nhiều và trình độ càng tinh vi. Vì thế, bé chỉ cần chứng kiến một vài tình huống cha mẹ nói dối là sẽ học theo ngay mà nhiều khi không vì mục đích gì, cũng không lường trước hậu quả. Một số phụ huynh thường có kiểu hành xử thiếu tế nhị khi phát hiện con nói dối : Một là tố cáo lỗi lầm của bé với nhiều người ; hai là quát nạt, xử phạt bé ngay ở nơi đông người. Cả hai biện pháp đó đều không có tính giáo dục. Để "tự vệ", trẻ sẽ rút kinh nghiệm rằng nếu có lỡ phạm lỗi thì sẽ giấu kỹ, tìm cách nói giảm, nói tránh, nói quanh co để tránh phải nhận trách nhiệm.Từ đó, thói quen nói dối một cách vô thức dần dần hình thành.
Một cách  "tiếp tay" khác là cha mẹ độc đoán, không chịu lắng nghe bé giải thích quá trình bé mắc lỗi. Vì thế, nếu gặp chuyện tương tự, bé sẽ chuẩn bị sẵn những lý do rất chính đáng để bao biện cho lỗi lầm của mình... Lâu dần cũng thành ra nói dối quen miệng.
Trong giáo dục trẻ, chúng ta không thể tránh các biện pháp trách phạt. Tuy nhiên, khi áp dụng hình phạt đối với trẻ, cần phải cân nhắc kỹ càng, tìm hiểu rõ lý do trẻ mắc lỗi, còn không, sự trừng phạt cũng chính là "mầm mống" của thói nói dối để "tự vệ" mà người lớn vô tình gieo vào con trẻ.

 Giúp con thành thật 

Theo các chuyên gia tâm lý, những đứa trẻ nói dối thường có trạng thái tâm lý không ổn định, hay lo lắng, hoang mang, nóng nảy vì phải tìm cách để ứng phó, che đậy hành vi nói dối của mình trước đó. Những bé có lòng tự trọng cao thì càng áy náy, bứt rứt, tự trách bản thân đã hành xử sai trái nhưng lại chưa đủ bản lĩnh để nhận trách nhiêm cũng như không thể tháo gỡ tình trạng dối trá mà mình đã bày ra. Suy nghĩ tạo hành vi, hành vi tạo thói quen, thói quen tạo tính cách và cứ như thế, khi con trẻ nói dối thành quen, hành vi ấy sẽ tạo nên tính cách dối trá, thiếu chân thành, làm méo mó nhân cách của trẻ.

Trước hết, các bậc phụ huynh hãy kiên nhẫn soi lại mình và điều chỉnh mình, đừng khiến bé sợ dẫn đến nói dối. Dưới đây là một số gợi ý :
- Trong mọi tình huống, hãy luôn nhẹ nhàng với con. Cha mẹ không nên tạo điều kiện cho trẻ nói dối, kể cả trường hợp nói dối để tự vệ. Thay bằng những lời giảng giải đạo lý cao vời vợi so với tầm nhận thức của trẻ, cha mẹ nên trình bày ngắn gọn, dễ hiểu và bằng những việc làm, câu chuyện ý nghĩa thiết thực, giúp trẻ hiểu rằng nói dối là không tốt và thực sự không cần thiết.
-  Quy đinh rõ ràng cho bé biết những điều được và không được làm. Nếu bé còn nhỏ, bạn cần nhắc đi nhắc lại để bé không quên những quy định này.
-  Khi con gây sự cố, hãy cùng con phân tích tình huống để trẻ tự nhận ra sai lầm, sau đó mới phạt. Chỉ cho bé thấy những tác hại có thể xảy ra cho chính bé và gia đình, nhắc nhở cho bé hiểu không được tái phạm, gợi ý cho trẻ thấy không cần phải nói dối cũng có thể xử lý được mọi chuyện. Ngược lại, nói dối chỉ làm sự cố trầm trọng thêm.
-  Khi phát hiện trẻ không thành thật, cha mẹ cần phải tỏ thái độ thật rõ ràng, tuyệt đối không dung túng cho bất cứ một hành vi dối trá nhỏ nào của trẻ. Một mặt, tùy tính cách của trẻ, có thể không cần bắt buộc trẻ phải thú nhận ngay nhưng cần xác nhận với con rằng bạn vẫn đang "treo" lỗi lầm ở đó. Mặt khác, khi làm việc với trẻ, nên "nhập đề" một cách thẳng thắn để tránh tạo điều kiện cho trẻ nói dối tự vệ. Thay vì hỏi theo kiểu gài bẫy : "Con đã hoàn thành tốt công việc mẹ giao rồi chứ ?", cách đặt vấn đề tốt nhất là nói rõ ràng với trẻ : "Mẹ đã biết kết quả công việc của con rồi, không được như mẹ mong muốn nhưng chúng ta cùng trao đổi để khắc phục nhé !".
-  Sau khi trẻ đã nhận lỗi, bạn hãy hỗ trợ tinh thần cho trẻ bằng một số hành động cụ thể : dắt con đi xin lỗi người khác với thái độ nhẹ nhàng, thông cảm nhưng tránh bao che. Quan trọng nhất, dù con có phạm lỗi nặng cỡ nào, đừng tỏ thái độ xấu hổ vì con. Đây là cách duy nhất để con hiểu rằng cha mẹ là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy của mình. Được như thế, con bạn sẽ luôn là đứa trẻ thật thà, dũng cảm. Chúng ta cũng nên cho trẻ biết rằng ai cũng có lúc phạm lỗi và cần khẳng định với con rằng cha mẹ vẫn luôn yêu con, cho dù con có gây ra lỗi lầm gì, miễn là con biết thật thà nhận lỗi và quyết tâm sửa lỗi.●

 

QUÁ KHỨ LÀM DANG DỞ HIỆN TẠI ?


Phan Nhi – Ngọc Hà

Có những chuyện đã thuộc về “thì quá khứ” nhưng vẫn trở thành đề tài tranh cãi kịch liệt cho các đôi vợ chồng. Từ chuyện ghen tuông, bực tức, dẫn đến “bạo hành” không bao xa, và là một trong những ngọn nguồn dẫn đến bất hòa trong gia đình khiến một số đôi vợ chồng phải ngậm ngùi chia tay nhau...
1. Trước khi cưới, chị Thanh và anh Doanh là đồng nghiệp cùng làm chung một nông trường ở Tây Nguyên. Họ được xem như một cặp “xứng đôi” về ngoại hình khi Thanh cao xấp xỉ 1,7 mét, còn Doanh 1,72 mét. Hơn hai mươi năm chung sống, vượt qua bao khó khăn của đời dống gia đình, vậy mà mới đây, anh Doanh lại đưa cho vợ cái đơn ly hôn và bảo chị ký.
Mâu thuẫn nảy sinh từ một buổi chiều, khi sắp xếp lại tủ sách, anh Doanh tình cờ nhìn thấy quyển sổ cũ, thế là anh ngẩn ngơ đọc lại xấp thư kẹp trong đó, ngắm lại hình cô bạn gái tên Dung, người yêu thời đại học của Doanh. Hồi ấy, chỉ một hiểu lầm, Doanh giận Dung. Lá thư giải thích và xin lỗi của Dung, chị văn thư của nông trường trao cho Thanh và Thanh đã giấu đi. Dung thì cứ đinh ninh là Doanh đã nhận được. Chuyện tình của Doanh và Dung kết thúc, rồi sau đó Doanh cưới Thanh.
Thấy chồng xem lại kỷ vật cũ, thế là chị Thanh “nổi cơn tam bành”, chị giật bức ảnh, hét vào mặt anh Doanh : “Sao không rửa lớn lên… treo nó trước ngực đó…”. Doanh bực dọc trách Thanh. Còn Thanh cũng không kềm chế được máu nóng đang nổi lên, chị lại làm một tràng trước mặt chồng : “Nếu trước đây tôi không giữ cái thư cô Dung đó gởi anh, làm gì anh thuộc về tôi…”. Thế là đống tro quá khứ không ai khảo mà tự Thanh đào lên, Thanh khai rõ ra chuyện đã nhận thư của Dung từ chị văn thư và giấu kín. Rồi cuộc cãi vã nẩy lửa đã nổ ra. Doanh cho rằng ngay từ đầu Thanh đã không chân thật, xen vào đời tư của anh. Còn Thanh lại nói anh “vẫn mê con nhỏ đó”. Bực không chịu nổi, Doanh đưa đơn ly hôn dù giờ đây cả hai vợ chồng anh vừa mới lên chức ông bà nội.
2. Chuyện chia tay của đôi vợ chồng trẻ Minh và Hân ở Tân Bình (TP.HCM) cũng khiến nhiều người ngoài cuộc phải buồn thay. Minh gặp Hân trong một lần đi đám cưới người bạn, thấy Hân xinh xắn, dễ thương, Minh cảm mến liền ; còn Hân thì thấy Minh có vẻ hào hoa, con nhà khá giả nên cũng thích. Cả hai quen nhau chưa đầy năm là tính đến chuyện kết hôn. Ngày cưới, bạn bè của Hân đều không khỏi trầm trồ vì trông Hân duyên dáng, nổi bật, sánh đôi bên cạnh chú rể, chú rể cũng rất “bảnh trai”.
Cứ tưởng đôi vợ chồng trẻ sẽ rất hạnh phúc sau ngày cưới. Ai dè, chỉ mới được vài tháng, Minh chở Hân về nhà vợ và bảo với bố mẹ vợ là “Con trả Hân về cho bố mẹ đấy, tùy bố mẹ xử…”. Cứ ngỡ họ chỉ giận nhau vài ngày như biết bao cặp vợ chồng khác. Nhưng không, chuyện của Minh và Hân nghiêm trọng hơn vì từ đó trở đi, Minh không quay lại nhà vợ nữa và cũng thông báo là không chấp nhận vợ trở về nhà mình. Còn Hân thì cũng không muốn quay về nhà chồng vì bị ám ảnh những cái “bạt tai” của chồng.
Nguyên nhân sâu kín khiến Minh quyết định “trả vợ” về là sau đám cưới không bao lâu, tình cờ gặp lại nhóm bạn cũ, trong lúc “trà dư tửu hậu”, Minh được nghe vài đứa trong nhóm kháo nhau về chuyện tình cũ của Hân. Thì ra trước khi lấy Minh, Hân cũng đã có một mối tình, Minh còn được nghe là Hân và người yêu cũ đã rất “thân mật” với nhau, thậm chí cũng đã từng “qua đêm” với nhau rồi. Cơn bực tức, ghen tuông nổi lên, Minh về nhà trút hết lên đầu vợ, ban đầu là những lời chì chiết, sau là cả những cái tát nẩy lửa, rồi không chịu đựng được, Minh đùng đùng chở vợ về “trả cho bố mẹ”. Bố mẹ và anh chị em Minh đều định cư ở nước ngoài nên không can thiệp được gì, còn bố mẹ Hân thì cũng thương con gái, sợ con về với chồng sẽ lại bị đánh nên cứ để con ở lại nhà mình. Không bao lâu sau, Minh được bố mẹ bảo lãnh đi nước ngoài, thế là giờ đây, cặp vợ chồng trẻ Minh - Hân mỗi người mỗi phương. Họ đã giải quyết xong thủ tục ly hôn.
Hai câu chuyện, với hai thế hệ khác nhau đã cho thấy, chuyện “quá khứ” sẽ nặng nề vô cùng, nếu người trong cuộc không tỉnh táo, vị tha. Sự ghen tuông, chì chiết khi nhìn về quá khứ của vợ (chồng) là vấn đề muôn thuở các đôi vợ chồng vẫn gặp phải. Có đôi thì cơn giận dữ chỉ thoáng qua trong chốc lát rồi họ bình tâm nhìn lại, chấp nhận cuộc sống hiện tại của vợ (chồng) mình. Nhưng cũng có đôi đã đẩy sự ghen tuông, bực tức lên đỉnh điểm và giải quyết bằng một cuộc chia tay.
Trước khi lấy vợ lấy chồng, chuyện mỗi người có một hay thậm chí vài mối tình trong quá khứ… không phải là chuyện lạ. Nhưng với người chồng, người vợ hiện tại, khi quyết định đến với nhau, nghĩa là mỗi người cũng đã có sự chọn lựa và chấp nhận nhau, vậy tại sao lại cứ phải dằn vặt quá khứ của nhau ? Đề cập đến chuyện ghen tuông với quá khứ của người bạn đời, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa (Tổng đài 1088) chia sẻ : “…Nếu bạn không xua đi được những ý nghĩ ghen tuông về quá khứ của người bạn đời mình, bạn luôn lo sợ cô ấy (anh ấy) nghĩ về người cũ trong khi yêu bạn dù họ không có liên hệ gì với nhau nữa thì chắc chắn bạn không thể có cuộc sống hạnh phúc bên người bạn đời như bạn mong muốn. Bạn chỉ có thể hạnh phúc nếu quên được chuyện đó đi. Bởi vì thời đại ngày nay không mấy ai chỉ yêu có một lần và đi đến kết hôn ngay. Hầu như ai cũng có quá khứ yêu đương của họ…”. Có lẽ lời chia sẻ này không chỉ dành cho những người đã kết hôn mà còn cho cả những đôi bạn trẻ đang yêu mong được hạnh phúc lâu dài bên nhau.ª 


GIÚP CON NHẬN BIẾT ĐIỀU HỢP LÝ

----------------
Trẻ đang trong quá trình nhận thức và hoàn thiện nhân cách, giúp trẻ nhận ra đau là sự hợp lý là điều vô cùng quan trọng. Từ đó, trẻ có thể chủ động xử lý đúng đắn khi phải quyết định một việc nào đó.
HỢP LÝ TRONG TỪNG VIỆC NHỎ
Tôi tình cờ quan sát đứa bé bảy tuổi mở cánh cổng với hai ổ khóa : nó mở từng ổ một rồi mới tháo ổ ra khỏi cánh cổng. Đến khi mở cửa chính, gồm một oeer khóa rời và một ổ khóa rời và một owr khóa ẩn trong cánh cửa, con bé mở ổ khóa ẩn trước rồi mới mở ổ khóa rời. Tôi ngạc nhiên về sự hợp lý của hành động này nên hỏi : "Vì sao cháu làm như vậy ? ", thì con bé vô tư đáp : "Chúa làm vậy cho dễ !".
Tồi nó giải thích : Khi mở cổng, nếu mở xong một cái rồi cầm trên tay thì sẽ bị vướng, khó mở cái kia ; khi mở cửa chính, nếu mở ổ khóa rời thước thì phải cầm ổ khóa rời trước thì phải cầm ở khóa đó trên tay, sẽ khó mở ổ còn lại. Đơn giản nhưng rất hợp lý. Tôi thấy con bé có óc quan sát tốt, có sự suy luận và phán đoán sắc sảo.
Sự hợp lý cần có trong hoạt động của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, nếu không sẽ không đạt kết quả như mong muốn. Người lớn không nên đơn giản nghĩ rằng tự bản thân trẻ sẽ rút được kinh nghiệm sau những lần làm sai dù điều đó luôn là trải nghiệm quý báu. Bởi vì nếu ta trang bị cho trẻ kiến thức đầy đủ thì nó sẽ không hoặc ít làm sai, từ đó kích thích sự siêng năng, chủ động của trẻ, thay vì ngán ngại ; và dù làm sai, nó vẫn biết vì sao sai và tìm cách khắc phục hiệu quả.
HỢP LÝ VÀ ĐÚNG ĐẮN
Không phải sự hợp lý nào cũng đúng đắn. Trong nhiều trường hợp, ta phải chấp nhận sự hợp lý, dù có thể chưa tìm được sự đúng đắn. Có lần con gái tôi hỏi : "Vì sao người ta gọi là hươu cao cổ mà không gọi là hươu cổ cao ?". Quả thật, tôi không tìm được câu trả lời mà mình cho là đúng nhất nên đã đáp : "Tên của phần lớn sự vật là do con người quy ước và trở thành thói quen. Chẳng hạn, người ta gọi cái để ngồi là cái ghế. Vì vậy, người ta đã gọi hươu cao cổ và quen luôn với cách gọi đó". Tôi thừa nhận là câu trả lời mới chỉ dừng lại ở sự hợp lý chứ không chắc đúng.
Cũng tương tự như vậy, tôi nhớ hồi nhỏ, vó lần đi qua sông Tiên, tôi hỏi ba, sông Tiền rộng bao nhiêu, thì ba tôi nói là khoảng bốn cây số. Lớn lên, tôi nghĩ lại, ba tôi lấy căn cứ gì mà bảo nó rộng bốn cây số, nhưng rõ ràng câu trả lời đó đáp ứng được khoảng cách tương đối, giải quyết được nhu cầu muốn biết cảu tôi. Nếu ba tôi không trả lời thì sự khao khát tìm hiểu của tôi bị dập tắt, lòng tin của tôi đối với kiến thức của ba bị giảm đi.

Pages - Menu