Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật



CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN C
27.10-2013 - Lc 18,9-14

CẦU NGUYỆN THÂT, CẦU NGUYỆN GIẢ
Lm. Phanxicô Assisi Nguyễn Phước Hậu,
Chánh sở họ đạo Khúc Tréo - Bạc Liêu - Gp. Cần Thơ
-----------


Đọc dụ ngôn Đức Giêsu vừa kể, ai trong chúng ta cũng hiểu được ý nghĩa của dụ ngôn. Đức Giêsu kể rất rõ ràng, dễ hiểu, ngôn từ nhẹ nhàng nhưng rất thâm thúy. Hai nhân vật trong dụ ngôn : một người Pharisêu và một người thu thuế. Nếu xét theo khả năng cầu nguyện tự phát thì cả hai vị đều có tài ăn nói.


Người Pharisêu cầu nguyện : "Con ăn chay tuần hai lần, không tham lam, không bất chính hay ngoại tình"... Quá tốt, thật đáng khen.


Còn người thu thuế đứng xa, gục đầu và nói : "Xin thương xót con vì con là người tội lỗi". Quá tốt, vì ở đời có mấy ai biết nhận lỗi để mà sửa lỗi đâu ?
Theo tôi, cả hai đáng được khen. Cả hai đều được nhận điểm 10. Thế nhưng, Đức Giêsu lại quả quyết : Chỉ có anh thu thuế được điểm 10 mà thôi, còn anh Pharisêu thì được zêrô. Đức Giêsu có thành kiến hay thiên vị đối với người Pharisêu không nhỉ ? Chắc là không. Ngài trả lời thẳng thừng qua câu cuối đoạn Tin Mừng : "Vì phàm ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên". Đức Giêsu đánh giá việc cầu nguyện không theo hình thức bên ngoài mà đánh giá lời cầu nguyện đó có xuất phát tận đáy lòng hay không ? Anh Pharisêu cầu nguyện như một bản báo cáo thành tích vẻ vang của mình, rồi còn kết luận là hơn hẳn người khác nữa. Ông ta tự mắc phải một sai lầm là tự nâng mình lên thành người công chính, ông tự phong thánh cho mình đấy ! Còn người thu thuế thị tự lên án mình trước mặt Thiên Chúa, ông đau đớn đấm ngực ăn năn và chỉ còn biết nhờ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa mà thôi : "Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là người tội lỗi". Chính lời cầu nguyện khiêm tốn đó có sức giúp ông tin tưởng vào quyền năng tha thứ của Thiên Chúa, vì chính lúc anh ta thấy mình đau đớn tột cùng của sự tội, là lúc anh ta ý thức rằng mình còn một người Cha Nhân Lành đang chờ đón và yêu thương mình. Vì thế, anh ta đã được tha còn người Pharisêu thì lại không được tha.

Cả hai người cùng cầu nguyện nhưng kết quả thì trái ngược nhau, một người cầu nguyện bằng cái miệng rỗng tuếch, một người cầu nguyện bằng cái tâm khiêm nhường. Thế mới hiểu cụ Nguyễn Du nói : "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"  (Truyện Kiều). Đức Giêsu thì quả quyết : "Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế" (Mt 12,7).

Qua dụ ngôn Chúa muốn chúng ta lưu ý :


1.  Không ai được tự cao tự đại nghĩ mình là người công chính hoặc so sánh mình đạo đức hơn người khác. Tất cả chúng ta là tội nhân, mà đã là tội nhân thì phải khiêm nhường. Chữ khiêm nhường Humility do chữ Latinh là Humus - nghĩa là đất, là bụi tro. Nếu chúng ta ý thức mình không có là gì trước mặt Thiên Chúa thì mới thực sự khiêm nhường đúng nghĩa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói khi gặp các vị Hồng y cố vấn : "Sự khiêm nhường là sức mạnh của Tin Mừng".



2.  Bài học quý giá nữa là Chúa Giêsu dạy chúng ta biết cách cầu nguyện, đừng ngã lòng. Vì nếu không biết cách cầu nguyện thì việc sống đạo sẽ rỗng tuếch dẫn đến tình trạng giữ đạo bằng môi miệng mà lòng thì xa Chúa ; việc sống đạo như kiểu giữ pháo đài, nhà thờ chỉ là nơi tham quan, Đức Giêsu chỉ là một nhân vật trong chuyện cổ tích, Thiên Chúa không còn ở trong tâm của con người mà chỉ là một thứ chủ nghĩa hoang tưởng nào đó.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con cầu nguyện. Xin dạy cho chúng con biết cách cầu nguyện. ●




KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

Suy niệm Tin Mừng Mc 16, 15-20

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB


Truyền giáo hay rao giảng Tin Mừng?


Dầu đã được trực tiếp tham gia vào công tác ‘truyền giáo’ trong thời gian 02 năm tại Mongolia, khi được nhiều bạn gửi mail khuyến khích viết bài suy niệm nhân Khánh Nhật Truyền Giáo, tôi vẫn cảm thấy ngại ngùng. Lý do là vì suy nghĩ của tôi sau thời gian ‘truyền giáo’ trở về đã bị thay đổi nhiều quá; tôi cảm thấy lạc lõng và cô đơn trong suy tư, hụt hẫng trong truyền đạt về đề tài này. Cuối cùng thì sáng nay, sau thánh lễ và chia sẻ của các tập sinh, tôi đã quyết định viết, không phải cho các bạn đâu, mà là cho chính tôi đấy.

Tôi nhớ là năm 2003, sau khi kết thúc nhiệm kỳ giám tỉnh cuối cùng, tôi vẫn chưa có định hướng nào rõ rệt cho tương lai phục vụ của mình. Bề trên Trung Ương đã rộng phép cho tôi có một năm bồi dưỡng bất kỳ ở đâu…; và tôi đã quyết định xin có một năm để trau dồi tu đức và học hỏi về các tôn giáo thế giới tại đại học Berkeley - California (Hoa Kỳ). Chính trong thời gian này mà tôi đi tới quyết định xin bề trên cho đi truyền giáo Mongolia, nơi mà tôi đã lui tới nhiều lần trong thời gian thành lập các cơ sở truyền giáo cho anh em Don Bosco Việt Nam. Ngay trước khi lên đường đi Mongolia, tôi còn được tham dự một khóa học chuyên đề về truyền giáo tại đại học Universitá Pontificia Salesiana - Roma. Ấy thế mà khi thực sự tới và làm việc trực tiếp tại một nơi truyền giáo thứ thiệt như Mongolia, cái kinh nghiệm ‘truyền giáo’ nông cạn và bé nhỏ tôi có được đã đủ để làm đảo lộn (upside down) mọi suy nghĩ trước đó của tôi về lãnh vực này.

Trước hết tôi thấy mình dị ứng ghê gớm với từ ‘truyền giáo’ vì thấy nó dễ gây hiểu lầm quá. Nếu truyền giáo hàm ý làm cho một người ‘không có đạo’ được rửa tội để gia nhập đạo Công giáo theo nghĩa ‘proselytism’ thì rõ ràng ta đã hiểu sai ý Đức Ki-tô rồi. May mắn thay nội dung này đã chính thức bị phế bỏ kể từ sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II. ‘Truyền giáo’ phải được hiểu là ‘rao giảng Tin Mừng’, là loan báo tin vui cứu độ, là loan truyền tình yêu thương xót của Thiên Chúa đã được Đức Ki-tô Giê-su thực hiện trên thập giá. Quan niệm cho rằng ai đó phải gia nhập đạo, phải được rửa tội, thì mới được hưởng nhờ lòng nhân ái cứu độ của Thiên Chúa là một sai lầm to lớn. Lòng thương xót và ơn cứu độ đã được Chúa ban cho hết thảy mọi người cách vô điều kiện (xem thư Rô-ma chương 5). ‘Loan báo Tin Mừng’ không làm gì hơn là mở mắt cho người ta nhận biết rằng họ đã được hưởng ơn cứu độ và lòng thương xót nhờ sự chết và phục sinh của Đức Ki-tô Giê-su, và rồi mời gọi họ gia nhập cộng đoàn tín hữu để cùng chúng ta dâng lời cảm tạ tri ân.

Một suy nghĩ khác mà tôi cảm thấy rất dội đó là: nếu không có ai đi truyền giáo thì các dân ngoại sẽ mất linh hồn hết… rằng nhà truyền giáo là những người mang ơn cứu độ tới cho kẻ ngoại… rằng ơn cứu độ lệ thuộc vào một lối sống được xây dựng trên nền ‘luân lý Ki-tô giáo’… để rồi chỉ những người có đạo nắm giữ cặn kẽ các qui định này mới được vào thiên đường. Thiết tưởng khi Đức Ki-tô sai các tong đồ đi rao giảng Tin Mừng, Người đâu có ám chỉ điều này. “Anh em hãy đi khắp từ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” đâu có ý nghĩa phép rửa sẽ ban ơn cứu độ. Tin Mừng của lòng thương xót cứu độ vẫn có thể được rao giảng và mời gọi ngay cả một người nữ Sa-ma-ri sống chung chạ sau năm đời chồng. Khi còn ở Mongolia, cha sở nhà thờ chính tòa Ulaanbataar, một nhà truyền giáo người Ca-mơ-run, xin tôi dạy giáo lý cho một nhóm sinh viên. Ngài muốn tôi dạy theo chương trình giáo lý tân tòng mà ngài đã soạn, khởi đầu bằng nội dung thập giới của Chúa và lục giới của Hội Thánh… Ngài căn dặn: đó là các điều kiện tiên quyết để gia nhập đạo và được rỗi linh hồn… Tôi đã không áp dụng chương trình đó, xác tín rằng ‘truyền giáo’ tiên quyết phải là rao giảng Tin Mừng, mà Tin Mừng chính là cho mọi người nhận biết Thiên Chúa xót thương và cứu độ toàn thể nhân loại. Trường hợp cụ thể của tôi là phân tích cho những sinh viên Mongolia hiểu ra rằng Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô yêu thương họ, không như các thần linh đạo Shaman của người du mục luôn gieo rắc sợ hãi kinh hoàng. Thế đấy, cái kinh nghiệm rất cụ thể của tôi về sự khác biệt quá lớn giữa ‘truyền giáo’ và ‘loan báo Tin Mừng’ là như thế.

Từ cái kinh nghiệm truyền giáo còn rất thô thiển tại Mongolia tôi đã học được bài học cơ bản: Thiên Chúa không biết từ thuở nào đã yêu mến và cứu chuộc các người Mông Cổ du mục sinh sống trên vùng thảo nguyên lạnh giá mênh mông tại Trung Á. Cuộc sống du mục nay đây mai đó của họ, với văn hóa và các truyền thống từ bao đời, cho dầu có nhiều điểm khác xa nền ‘luân lý Ki-tô giáo’, vẫn không hề tách họ khỏi lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa đã chủ động thực hiện nhờ Đức Ki-tô Giê-su. Công việc của nhà truyền giáo như tôi đích thị phải là rao giảng Tin Mừng, là loan báo cho họ biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ trong chính lối sống và văn hóa của họ…; đồng thời mời gọi họ tin vào Đức Ki-tô Cứu Chúa… đón nhận phép thánh tẩy… và gia nhập vào Hội Thánh là cộng đoàn những người nhận biết Thiên Chúa từ ái và yêu thương để không ngừng cao cao lời cảm tạ. Và cũng từ đó tôi nghiệm ra một điều tối quan trọng là… một ‘người loan báo Tin Mừng’ trước hết phải chính mình có cảm nghiệm sâu sắc về lòng thương xót cứu độ của Chúa. Cảm nghiệm này chính là nền tảng của việc được sai đi, là sức mạnh trong khiêm tốn phục vụ, là hy vọng không hề suy chuyển trước các khác biệt và thách đố, và là chương trình và hành động trong rao giảng.



Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con được tham gia chút chút vào chương trình cứu độ đầy yêu thương của Chúa đối với dân tộc Mongolia. Cảm tạ Chúa đã mở lòng cho con nhận biết Chúa yêu thương họ vô cùng, trước cả khi con được sai tới với họ để nói cho họ biết điều đó. Qua tâm tình tri ân này, xin cho con tiếp tục không ngừng khao khát tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa yêu thương và cứu độ, và tìm cách làm chứng cũng như loan truyền điều đó cho mọi người con gặp gỡ và tiếp xúc hàng ngày. Amen 




CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN C
20-10-2013 – Lc 18,1-18

KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN 
                      VỚI LÒNG TÍN THÁC CẬY TRÔNG

                        Lm. Đan Vinh – Gx Sao Mai, Tân Bình
                                           ------------------


Trong Tin mừng hôm nay Đức Giêsu đã dạy các môn đệ : “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Người muốn các tín hữu chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện để sẽ được Chúa ban ơn cứu độ. Nhưng tại sao chúng ta lại phải cầu nguyện và phải cầu nguyện thế nào ?

1. Có mấy thái độ cầu nguyện ?

- Trong một vụ động đất lớn khiến nhiều nhà cửa trong thành phố bị sụp đổ. Có ba người bị kẹt trong văn phòng một tòa nhà của một công ty xây dựng. Bấy giờ văn phòng bị cúp điện và một khối bê-tông lớn từ tầng trên rơi xuống đã chắn ngang cửa sổ và cửa ra vào văn phòng. Trước tình huống này, người thứ nhất là trưởng phòng không có đức tin và đã bỏ không đến nhà thờ từ lâu. Ông ta bực tức không ngừng chửi rủa viên kỹ sư thiết kế và là chủ thi công công trình tòa nhà đã không chịu gia cố thêm sắt thép khi xây dựng chân móng và đà cột, khiến tòa nhà dễ dàng sụp đổ khi bị động đất mạnh. Anh thứ hai là nhân viên vệ sinh của công ty có lòng đạo đức bình dân, khi bị kẹt trong văn phòng liền quỳ gối lần chuỗi Mân Côi thật sốt sắng cầu xin Đức Mẹ thương ra tay cứu giúp. Anh thứ ba là nhân viên bảo trì máy móc của công ty là người có đức tin trưởng thành đã tỏ ra bình tĩnh khi gặp sự cố. Anh ta âm thầm đối thoại cầu xin Chúa như sau : “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì để có thể thoát khỏi hoàn cảnh này ?” . Sau đó anh lấy búa và đục trong giỏ đồ nghề luôn mang theo và bắt đầu đục phá khối bê-tông bít lối ra vào kia. Cứ sau một lúc làm việc, anh dừng tay nghỉ mệt và lại thầm thưa chuyện với Chúa : “Lạy Chúa, xin giúp con đủ sức đục bể khối bê-tông này để cả ba người chúng con mau thoát ra ngoài”. Cuối cùng anh ta đã phá được một mảng lớn bê-tông và cả ba người đã chui ra ngoài an toàn.

2. Tại sao phải cầu nguyện ? :

Câu chuyện trên cho thấy ba thái độ cầu nguyện : người thứ nhất do mất đức tin, cho rằng cầu nguyện vừa mất thời giờ lại vừa vô ích, nên không cầu nguyện khi gặp khó khăn. Anh ta chỉ biết đổ lỗi cho hoàn cảnh và tha nhân, mà không tích cực giải quyết vấn đề. Người thứ hai có đức tin thụ động : Khi gặp sự cố chỉ biết khoanh tay đọc kinh để cầu xin phép lạ, thay vì chủ động giải quyết vấn đề. Có lẽ đại đa số các tín hữu chúng ta vẫn đang có lối cầu nguyện thụ động này, nhất là khi chúng ta cầu xin Chúa cho người khác. Người thứ ba có đức tin tích cực chủ động : tuy tin vào quyền năng của Chúa, nhưng đồng thời cũng ý thức phải sử dụng các phương tiện Chúa ban để chủ động giải quyết sự cố mà không quên cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp. Đây là cách cầu nguyện đúng đắn đẹp lòng Chúa mà các tín hữu chúng ta cần phải áp dụng trong cuộc sống đời thường.

3. Chúng ta phải làm gì ? :

- Kiên trì cầu nguyện : Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ : “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Người muốn các tín hữu chúng ta phải kiên trì cầu nguyện noi gương ông Mô-sê quỳ giang tay suốt cả ngày để cầu xin cho quân Ít-ra-en thắng trận (Bài đọc 1) ; Hay như bà góa bị kiện cáo oan ức đã kiên trì xin ông quan tòa “vốn không tin Chúa mà cũng chẳng kiêng nể người đời” minh oan cho bà. Nhờ biết kiên trì mà cuối cùng bà đã được ông ta minh oan (Bài Tin Mừng). Mỗi người chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện, cả những lúc xem ra Chúa im lặng không đáp ứng các yêu cầu chính đáng của chúng ta, và cầu nguyện với lòng tín thác cậy trông vào quyền năng và tình thương của Chúa như lời Đức Giêsu : “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ” (Lc 18,7-8a).

- Không nên đòi hiệu quả tức thời : Khi cầu nguyện, chúng ta tin chắc Chúa sẽ đáp lời cầu xin của chúng ta. Nhưng Ngài không ban lập tức theo ý riêng của chúng ta, mà ban vào thời gian và cách thức nào có lợi nhất cho chúng ta. Thời gian Chúa nhậm lời có thể kéo dài lâu hơn chúng ta nghĩ và cách Ngài ban ơn cũng có thể khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng thích hợp nhất và hữu hiệu nhất cho hạnh phúc của chúng ta.

- Hãy cầu xin theo ơn Thánh Thần soi dẫn : Thánh Phaolô đã dạy : “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta theo đúng thánh ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27). Như thế, cầu nguyện không phải là xin ơn theo kiểu vụ lợi của chúng ta, cũng không phải là sự liệt kê nhưng nhu cầu để xin Chúa ban theo ý riêng của ta. Nhưng cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa, xin Ngài giúp chúng ta vâng theo ý Ngài, noi gương Đức Giêsu đã cầu xin Chúa Cha trước cuộc khổ nạn : “Cha ơi ! Nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Tuy nhiên con người vốn yếu đuối dễ nản chí, nên Đức Giêsu đã cảnh báo : “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?” (Lc 18,8).°


 CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN C


13-10-2013 – Lc 17,11-19



HÃY LUÔN TẠ ƠN CHÚA

Lm. Đan Vinh – Gx Sao Mai, Tân Bình

----------

“Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi ; Chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103,2)
Biết ơn là thái độ của một người có giáo dục và nhân cách. Người xưa đã dạy rất nhiều về lòng hiếu thảo, biết ơn. Về phạm vi đức tin, người tín hữu cần ý thức công ơn của Thiên Chúa, để từ đó tỏ lòng biết ơn Ngài như con thảo đối với cha hiền. Vậy tại sao chúng ta phải biết ơn ? Ích lợi của sự biết ơn ra sao ? Mỗi người chúng ta phải làm gì để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa và tha nhân ?

1.  Những lý do của lòng biết ơn :

-  Vì biết ơn là thái độ phù hợp với đạo làm người : Khi chịu ơn ai chúng ta phải tỏ lòng biết ơn họ mới hợp đạo lý.
-  Vì biết ơn là biểu hiện một người có giáo dục, có văn hóa : Một người biết nói lời “cám ơn” cho thấy một nhân cách tốt, có trình độ văn hóa cao và sẽ được mọi người kính nể.

2.  Ích lợi của lòng biết ơn :

-  Thái độ biết ơn sẽ được lòng của người làm ơn và chắc họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ chúng ta lần khác khi có dịp.
-  Đặc biết nếu cha mẹ, thầy cô, thủ trưởng… nói lời “cám ơn” với người dưới quyền như con cái, học trò, thuộc cấp… chắc sẽ làm cho họ vui và họ sẽ kể lại cho nhiều người khác biết về phẩm chất tốt đẹp của chúng ta.
-  Tuy nhiên cần tránh thái độ “công thần” khi giúp ai được điều gì thì hay kể công và đòi người chịu ơn lúc nào cũng phải nhớ để đền ơn mình. Trái lại chúng ta phải coi việc giúp đỡ tha nhân là bổn phận như lời Chúa dạy : “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

3.  Hãy tạ ơn Thiên Chúa và tha nhân :

1)  Thái độ Tạ ơn Thiên Chúa biểu lộ một đức tin chân thành :

-  Ngay từ thời Cựu ước, tác giả thánh vịnh đã dạy loài người phải biết tạ ơn Thiên Chúa như sau : “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1). Thời kỳ Xuất hành, dân Ít-ra-en cũng đã bắt đầu truyền thống tạ ơn Đức Chúa qua việc dâng lễ đầu mùa lên cho Ngài (Đnl 26,1-10).
-  Đến thời Tân ước, Đức Giêsu nhiều lần nêu gương cầu nguyện tạ ơn Chúa Cha. Chẳng hạn : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn…” (Mt 11,25-26). Đức Giêsu cũng đòi những ai nhận được ơn phải biết cám ơn như khi Người nói với người Samari ngoại đạo vừa được khỏi bệnh phong cùi như sau : “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” (Lc 17,17-18).
-  Hội Thánh Công giáo cũng biểu lộ lòng biết ơn Thiên Chúa bằng việc cử hành bí tích Thánh Thể (x. Lc 22,19) được gọi là Thánh Lễ Tạ Ơn. Trong thánh lễ, Hội Thánh dâng lời tạ ơn Thiên Chúa bằng việc dâng bánh rượu là kết quả của lao công để sẽ biến thành Mình Máu thánh Chúa Kitô. Sau đó, nhờ lễ vật rất cao trọng này, các tín hữu sẽ dâng lên Chúa Ba Ngôi tâm tình cảm tạ và xin ơn.

4.  Những cách tỏ lòng biết ơn :

-  Cuộc sống chúng ta là một chuỗi những hồng ân của Chúa : Có những ơn do Thiên Chúa trực tiếp ban và cũng có những ơn Chúa ban qua người khác. Vậy chúng ta cần phải làm gì khi nhận được những món quà ấy ? Thánh Bê-na-đô đã dạy : “Tôi xin anh em điều này là hãy tránh thói xấu lớn lao là sự vô ơn. Chớ gì đời chúng ta là một lời cám ơn liên lỉ… Tuy nhiên chúng ta đừng chỉ nói lời cám ơn suông, nhưng hãy biết sử dụng những ơn lành Chúa ban. Đó là điều Chúa đòi hỏi chúng ta”.

-  Phải biết ơn bằng hành động : Bài đọc I trong thánh lễ hôm nay cho thấy lòng biết ơn phải được biểu lộ bằng hành động noi gương tướng Na-a-man người xứ A-ram (x. 2V 5,14-17).
-  Phải vui vẻ đón nhận mọi điều xảy đến : Cám ơn Chúa vì những điều may lành như ý thì dễ, nhưng cám ơn về những điều rủi ro trái ý lại không dễ chút nào. Vì thế chúng ta cần tập cám ơn Chúa về mọi điều xảy đến cho ta : vui cũng như buồn, thành công cũng như thất bại, an lành khỏe mạnh cũng như rủi ro tật bệnh… Vì những điều đó đều hữu ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta, như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã xác quyết : “Tất cả đều là hồng ân”.
-  Cần tập thành thói quen cám ơn : Cha mẹ Công giáo cần tập cho con cái biết cám ơn những người làm ơn cho mình ngay từ khi chúng bập bẹ nói. Mỗi tối, chúng ta cũng hãy nhớ lại những ơn tinh thần vật chất nhận được trong ngày, rồi dâng lời tạ ơn Chúa như thánh Phaolô đã viết : “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu” (1Cr 1,4).

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết năng tạ ơn Chúa về những ơn lành Chúa đã thương ban. Xin cho chúng con cảm nhận được tình thương bao la của Chúa khi được may lành cũng như khi phải rủi ro. Xin cho chúng con luôn xác tín “Tất cả đều là hồng ân” và đều hữu ích cho phần rỗi đời đời của chúng con, để biết tạ ơn Chúa bằng lời nói cũng như việc làm.°




CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN C
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
06-10-2013 – Lc 17,5-10

LẠY CHÚA CON TÍN THÁC NƠI NGÀI
Lm. Trần Hòa, Gx Bình Thới, Gp. TPHCM
-----------

“Lạy Thầy, xin ban thêm lòng tin cho chúng con”. Có lẽ đây phải là một lời cầu của tất cả anh chị em chúng ta dâng lên Thiên Chúa. Vì đức tin là một hồng ân đáp trả của con người trước mạc khải của Thiên Chúa, hàm chứa lòng xác tín và phó thác vận mệnh mình cho Đấng mình Tin như Tổ phụ Abraham xưa.

I. TIN LÀ XÁC TÍN VÀO ĐẤNG MÌNH TIN

Nhiều người hiểu lầm về đức tin Công giáo. Họ cho rằng tin đạo là tin Thiên Chúa chung chung vậy, mà chẳng tìm hiểu sâu xa, cũng chẳng có gì ràng buộc gắn bó. Lòng tin ấy thường mù mờ, có biết giáo lý chút ít, nhưng phần lớn là lý thuyết. Và dĩ nhiên cách sống của những loại người ấy là vụ lợi, thế tục, ưa khấn vái, cầu xin ; thấy đâu nghe nói có phép lạ là ùn ùn đi tới, nhưng chính bản thân lại không trông cậy, không gắn bó với Đấng mình tin ở ngay trong tâm hồn mình. Cách giữ đạo của những người này thường là theo thói quen, khá bấp bênh và hời hợt, dễ bị lung lạc, và chối bỏ khi gặp khó khăn, bách hại vì đức tin. Chúa Giêsu cảnh báo những loại người này : “Chúng thờ ta bằng môi, bằng miệng, còn lòng chúng xa ta” (Lc 10,20). Mỗi người hãy tự đặt câu hỏi : Tôi có bị liệt vào loại người đó không ?

Hãy nhìn xem Abraham, sau khi tiếp cận với Thiên Chúa, ông đã đặt hết lòng tin vào Ngài, vào quyền năng của Đấng đã tỏ cho mình ý định của Ngài đến nỗi phó dâng tất cả mạng sống của mình, con cháu mình và tương lai cho Đấng ấy. Và khi gặp thử thách lớn lao : Chúa đòi ông dâng hiến đứa con duy nhất nối dòng cho Thiên Chúa, ông vẫn một mực tin tưởng không than vãn, không thay dạ đổi lòng. Lạy Chúa, bao giờ con mới nên giống như Tổ phụ Abraham ? Nhưng đó là khuôn mẫu con phải theo, nếu con muốn trở nên môn đệ đích thực của Chúa.

II.  NHỜ ĐỨC TIN, TA CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC MỌI SỰ

Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi : “Tại sao Tông đồ Phêrô, Phaolô hay bất cứ Tông đồ nào khác được Chúa ban cho quyền năng làm nhiều phép lạ lại không dùng quyền năng ấy mà “phản công”, khi chính các ngài bị các nhà cầm quyền bắt bớ, đánh đập ?” Thật là khó hiểu ! Phải chăng đức tin và quyền năng của Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta làm được mọi sự, nhưng trong thánh ý Thiên Chúa mà thôi ? Khi vua Herode Antipa yêu cầu Chúa làm một phép lạ cho ông xem, Chúa đã không làm một phép lạ nào. Đức tin dù nhỏ bé bằng hạt cải đi nữa, nhờ quyền năng Thiên Chúa vẫn có thể làm được những việc lớn lao khiến ta không thể tưởng tượng nổi. Những điều ấy vẫn xảy ra trong sinh hoạt hằng ngày của Giáo hôi. Chúng ta phải tin tưởng và phó thác cuộc sống chúng ta trong tay Cha từ bi, nhân hậu, quyền năng và hết lòng vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong đời ta. Mỗi người Chúa đều để trong tâm hồn họ một niềm khát khao vô bờ, nên vào mỗi buổi mai khi thức dậy, chúng ta hãy thưa với Chúa : “Lạy Chúa, ngày hôm nay Chúa muốn con làm gì, xin cho con biết để con thực thi ?”. Chúng ta hãy sống và làm việc theo thánh ý Chúa như Chúa Giêsu hằng vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha. Muốn được như thế, chúng ta phải hãm dẹp bớt những dục vọng và ý riêng của mình, để cho ý Chúa và ý Bề trên chi phối cuộc sống của ta. Để mỗi khi chiều về quỳ trước nhan Chúa trong giờ kinh tối, dù là vắn tắt, ta được bình an, sung sướng, vì một ngày chúng ta đã sống trọn vẹn theo thánh ý Chúa. Và cứ như thế cuộc đời chúng ta sẽ được Thánh Thần Chúa dẫn đưa. Ôi hạnh phúc nào bằng, vì đức tin là tất cả cuộc đời con, lạy Chúa !°


CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN C
29-9-2013 - Lc 16,19-31

HÃY NHẬN RA ƠN CHÚA NƠI BẠN
Lm. Vinh Sơn Trần Hòa, GX Bình Thới, GP.TPHCM
------------------

Cuộc sống của mỗi người nằm gọn trong chữ TIN : vì tin có Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa, nên tôi cố gắng sống cho ra con người ; vì tin có đời sau, tôi quyết tâm dứt khoát chọn Chúa ; vì tin Chúa yêu thương, tôi yêu mến Ngài và thương mến tha nhân không đắn đo tính toán. Và niềm tin ấy trở nên lẽ sống của bạn, vì nó mở ra một chân trời hạnh phúc mà bạn sẽ không thể ngờ. Vậy chúng ta phải làm gì ?

I.  HÃY PHỤC VỤ CHÚA VÀ THA NHÂN VỚI NHỮNG GÌ BẠN CÓ

Chúng ta biết rằng mọi sự chúng ta có trên thế gian : thân xác, linh hồn, trí thức, của cải, danh vọng, bạn bè thân thuộc... đều do Thiên Chúa ban cho, tuy có một phần công sức ta trong đó, nhưng Thánh Phaolô dạy : "Tôi trồng, Apolio tưới, Thiên Chúa mới cho mọc lên, như thể kẻ trồng, hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể" (1Cr 3,6-7). Nếu xác tín như vậy, chúng ta sẽ không giống như người phú hộ trong Tin mừng : Ông ta dù biết rõ ý nghĩa cuộc sống, biết cả Thánh kinh, nhưng ông ta đã dứt khoát chọn cách sống kiêu căng, ích kỷ và hưởng thụ, mà không biết đến ai. Ông đã lấy cuộc sống đời này làm mục đích và cố gắng đạt cho được những sung sướng hạnh phúc ấy, nên Tổ phụ Abraham nói với ông : "Con ơi, hãy nhớ lại : suốt cuộc đời con đã nhận phần phúc của con rồi" (Lc 16,25).

Con người khác con vật ở chỗ : con vật luôn luôn nhìn xuống để kiếm tìm của ăn hay thỏa mãn những nhu cầu tự nhiên ; còn con người thì không hẳn thế, vì họ được Chúa ban cho lý trí để có lúc hướng thượng nhìn lên. Bạn hay cố gắng ngước nhìn lên, vì cuộc đời không chỉ là hưởng thụ cách ích kỷ những cái mau qua, nhưng còn là sống bác ái, từ bi, phục vụ, hy sinh, chia sẻ... và tìm về chân, thiện, mỹ đích thực, những giá trị cao hơn ở đời này.

Lạy Chúa, xin ban cho con đôi mắt, trái tim của Chúa, để con biết can đảm nhìn lên, mà sẵn sàng sống cho Chúa và tha nhân, vì Chúa là cùng đích của cuộc đời con. "Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên lòng con sẽ mãi mãi khắc khoải cho đến khi nghỉ an trong Chúa mới thôi" (Th Augustinô).

II.  HÃY TRÂN TRỌNG LẮNG NGHE LỜI GIÁO HỘI

Chúa đã dự liệu cho hết mọi người sinh ra trong thế gian những phương tiện đủ để đạt tới hạnh phúc đời đời. Chúa ban cho ta một Giáo hội với những thừa tác viên có con tim luôn rộng mở, sẵn sàng trao gởi chân lý. Chúa còn ban cho ta những nền tảng đạo lý, văn hóa tuyệt vời nơi các dân tộc và đặt nơi trái tim ta niềm khát khao chân lý. Chúng ta hãy đón nhận những phương thế Chúa ban, nhất là những chỉ dẫn, giáo huấn của Giáo hội mà Chúa đã ủy thác dẫn dắt chúng ta, mà không cần một phép lạ nào để khơi dậy lòng tin. Hơn nữa chúng ta thấy có biết bao người khôn ngoan, thông thái, thánh thiện đã sống cùng một đức tin như chúng ta, nhiều người trong họ phải trải qua những cơn thư thách thật gắt gao, nhưng vẫn một lòng trung kiên. Chúng ta hãy an tâm bước theo con đường của Chúa cùng với những anh chị em ấy. Người phú hộ biết số phận mình và thương đến số phận của anh em còn sống trên dương thế, đó là một thái độ thức tỉnh và bác ái, nhưng rất tiếc là đã quá muộn. Khi xin cho Lazarô hiện về nhắc nhở, Abraham đã trả lời : "Chúng đã có Môsê và các Tiên tri, chúng hãy nghe lời các Ngài...Môsê và các Tiên tri mà chúng chẳng nghe, thì dù người chết có sống lại, chúng cũng chẳng nghe đâu !" (Lc 16,29.31). Giáo hội Công giáo không những chia sẻ chân lý, mà còn đảm trách vai trò dẫn đường chỉ lối và nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình về Nước Chúa. Chúng ta hãy cùng với Giáo hội bước đi trong an bình và hy vọng.●


Pages - Menu