Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

ÁNH MẮT KỲ LẠ


ÁNH MẮT KỲ LẠ


Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

------


Đám thợ hồ nghỉ giải lao. Mỗi anh một tách cà phê, mải mê nghe anh Viễn kể chuyện.

Anh Viễn kể chuyện rất có duyên. Cặp môi đa tình uốn éo, phát âm chữ “v” ngọt như đường phèn : “Đi mgiô, đi mgiề, ca hát mgiang mgiang…”. Chuyện kể của anh lan man, từ Đông sang Tây, từ bên Tàu, Mạc-Xây ồn ào đế sa mạc Sahara quạnh hiu ; từ chuyện thằng cu Tí lý lắc, đến chuyện bà già trầu hiền khô… Dường như anh đã bôn ba nhiều nơi trên thế giới, dường như kiến thức của anh dày cộm như một kho từ điển bách khoa. Thế mà anh vẫn chỉ là một tay phụ hồ lãnh lương thấp nhất. Bạn bè quý mến anh. Chủ thầu kính nể anh. Chủ công trình coi anh như người thân trong nhà. Ai ai cũng bảo rằng anh có cặp mắt hớp hồn thiên hạ.

Có một người bị cặp mắt ấy hớp hồn đến lăn lóc cuộc đời. Người ấy là Kim Thị Châu, con gái cưng của ông chủ công trình.

Châu bưng thau đồ ra nhà tắm dã chiến, thấy anh Viễn đang kể chuyện, bèn ngồi thụp xuống nghe ké. Tình cờ hai cặp mắt gặp nhau, xoáy vào nhau. Anh Viễn mất bình tĩnh, vì cái nõn nà của Châu. Châu bị hớp hồn, vì cặp mắt sâu thẳm của anh Viễn. Anh Viễn hối hận, vì thấy mình quá yếu đuối. Anh đưa mắt nhìn bâng quơ. Châu đứng phắt dậy, gửi anh Viễn một cái nhìn đắm đuối, lòng nhủ lòng : “Anh Viễn ơi ! Anh là của em rồi đấy nhá”.

Trong căn nhà tắm sơ sài, Châu xối nước ào ào để gửi đi một tín hiệu. Châu chờ đợi một ánh mắt xuất hiện trên kẻ hở của vách thiếc. Châu thoát y trăm phần trăm để dâng hiến trọn vẹn tấm thân ngọc ngà cho ánh mắt sâu thăm thẳm ấy.

Có tiếng chân bước nhè nhẹ. Có tiếng lá khô kêu xào xạc. Và… Châu nhắm nghiền mắt lại… Hạnh phúc quá chừng ! Y như động phòng. Y như hợp hôn…

Châu đi phơi đồ. Vừa phơi đồ, vừa tìm ánh mắt. Anh Viễn đang trộn hồ… Một ngày trôi qua. Không gian và thời gian cứ bồng bềnh, cứ ỡm ờ trôi…

Sáng hôm sau Châu bưng mâm cà phê ra sân cho thợ uống, mở màn cho một ngày đẹp như mơ. Bỗng Châu hốt hoảng kêu lên :

- Ơ ! Anh Viễn đi đâu rồi mấy chú ?

- Biết đâu à – Một anh thợ nhỏ tuổi, đẹp trai trả lời cụt lủn, tỏ vẻ ganh tỵ.

- Chú Viễn nhờ tôi nhắn lại với anh em là chú ấy phải nghỉ dài hạn. Có thể chú ấy nghỉ luôn – Một anh thợ già vừa nhả khói thuốc, vừa thủng thẳng nói một cách vô tư như thế.

- Chú có biết nhà chú ấy ở đâu không ? Châu trợn mắt hỏi.

- Chú ấy bí mật lắm.

- Chú kiếm dùm con đi nha, Ba con có nhiều chuyện muốn nói với chú ấy. Con cám ơn chú trước.

- Anh Viễn suýt soát bốn mươi. Chắc là có vợ con đùm đề rồi. Anh ấy là người có số đào hoa. Ai dính vô ảnh, thì phải lãnh số tàn hoa. Từ chết đến chết – Anh thợ trẻ nhìn trân trân vào mắt Châu, miệng cười toe toét tỏ vẻ khiêu khích.

Châu nguýt dài một cái, ném vào mặt anh thợ trẻ một câu cộc lốc : “Vô duyên”.

Châu hốt hoảng đi tìm anh Viễn, như con khùng đi tìm bóng ma. Chẳng ai biết nguồn gốc của anh Viễn. Chỉ có vài tin mơ hồ : “Anh Viễn có nhà ở Sài Gòn ; anh viễn là linh mục…”. Sài Gòn thì mênh mông thiên địa, ai mà mò cho được. Linh mục gì mà đi làm thợ hồ. Bế tắc.

Châu đi coi thầy. Thầy chiêm tinh ; thầy bói ; thầy tướng số. Thầy nào cũng hỏi : “Anh ấy sanh năm nào ? Tuổi con gì ?”. Châu cúi đầu lặng thinh. Thất vọng. Châu lên núi Sam khấn bà chúa Xứ. Hai mắt lim dim nhìn cây nhang đang tỏa khói nhẹ, miệng lâm râm : “Lạy bà thiêng liêng, xin bà thi ân giáng phúc cho con gặp được anh Viễn của con. Con xin hậu tạ”. Dường như có tiếng thì thầm : “Một tháng…một tháng”. Một tháng trôi qua. Hai tháng trôi qua. Vẫn bặt vô âm tín. Châu giận mình và tự nguyền rủa : “Đồ vô duyên”.

Châu lên nhà thờ Fatima Bình Triệu, dâng một bó hoa nặng trĩu. Cặp mắt xuất thần, miệng lâm râm : “Mẹ ơi ! Xin Mẹ thương con, cho con gặp được anh Viễn. Nếu không thì… con phải chết mất”. Châu nhắm mắt, cúi đầu, thổn thức. Dường như có tiếng nhỏ nhẹ : “Tháng Tám…tháng Tám…”. Tại sao lại tháng Tám ? Còn xa vời vợi. Tháng Tám dương hay âm ? Tuyệt vọng Châu ra về và đã nghĩ đến cái chết.

Bóng đèn trong đêm tỏa ánh sáng xanh mờ mờ, Châu nằm trên giường nệm, như đang chờ ai. Hai ngón tay mân mê viên thuốc ngủ, miệng thì thầm : “Anh Viễn ơi ! Em phải chết, vì không có anh thì em sống để làm gì”. Bỗng Châu nhắm mắt lại. Hai ngón tay buông lơi, viên thuốc ngủ rơi xuống ngực. Châu la lên như xuất thần : “Ánh mắt của anh đây rồi. Em không thèm chết nữa đâu”.

Châu nhất định sống. Châu quyết tâm chờ đợi. Chờ đợi mười năm. Chờ đợi hai mươi năm. Chờ đợi suốt đời. Ôi, ánh mắt tuyệt vời.

Để quên viên thuốc ngủ. Châu lao đầu vào việc đèn sách. Châu đậu cử nhân luật. Châu hành nghề luật sư.

Ngày tháng trôi qua. Mười năm, hai mươi năm. Khi cha của Châu nhắm mắt lìa đời, ông nhệu nhạo trong tiếng nấc : “Thằng Viễn có vợ con rồi. Nó không còn ngó ngàng đến con đâu. Con quên nó đi”. Mất cha, Châu khóc đến mờ cả mắt.

Nhưng Châu không quên được anh Viễn. Châu thấy cặp mắt kỳ lạ ấy vẫn lần mò trở về từng phần vuông trên da thịt nõn nà của Châu. Có lúc Châu phải bất giác thốt lên : “Anh Viễn kỳ quá à !”.

Thời gian vẫn cứ trôi qua. Công việc chất ngất của tòa án giúp Châu bớt lãng mạn hơn. Những án chung thân, tử hình diễn ra hằng tuần, hằng tháng dằn vặt lương tâm của Châu. Nhiều vụ án khiến Châu phải ôm mặt mà khóc. Khóc cho số phận khe khắt của kiếp người. Khóc cho chính thân phận của cán cân công lý vẫn bị đàn áp bởi các cơ chế từ thời này qua thời khác. Khóc cho lương tâm ngành tư pháp đã bị đồng tiền bức tử từ thời nọ đến thời kia.

Thời gian cứ thế mà trôi. Công việc cứ thế mà vận hành. Tưởng như Châu đánh mất mình trong cỗ máy khổng lồ ấy. Và tưởng như ánh mắt kỳ lạ của anh Viễn mờ dần đi trong ký ức của Châu…Ai ngờ…

11 giờ trưa hôm ấy, Châu rời tòa án đi về nhà mình. Chiếc xe Fiat xinh xinh vừa lách ra khỏi cổng tòa án, thì Châu đạp thắng như một phản xạ. Đối diện với tòa án, có một tấm áp-phích to đùng. Nổi bật trên nền xanh da trời của tấm áp-phích có dòng chữ màu cam : “15 tháng 8 : Ta cùng hướng về đại hội Đức Mẹ La Vang”. Tháng Tám phụt ra từ tiềm thức, y như sợi kim tuyến phụt lên từ sân khấu. Long lanh, lấp lánh. Ánh mắt anh Viễn lại hiện về. Long lanh. Lấp lánh. Đời lại rộn lên một niềm vui…

Lavang 15 tháng 8. Một rừng người. Một rừng hoa. Người nào cũng đep, người nào cũng tươi như hoa. Châu thấy mình đẹp và trẻ như hai mươi năm về trước. Giọng ca ấm áp và truyền cảm của ca sỹ Hoàng Oanh đầy ắp không gian của Trung tâm Lavang. Châu không có đạo, nhưng hứng quá cứ lặp lại những lời ca của Hoàng Oanh, y như bé mầm non hát theo cô giáo. Hạnh phúc vô cùng. Sung sướng quá chừng…

Bỗng Hoàng Oanh thôi ca. Bỗng rừng người như chết lịm. Im phăng phắc. Không gian và thời gian ngưng đọng. Châu bị sốc, lấy hai bàn tay úp lên ngực. Bỗng từ trên loa phóng thanh giội xuống “ Nhân danh Cha mgià Con mgià Thánh Thần”. Rừng người giội lại : “Và ở cùng Cha”. Châu giật mình trợn mắt la lên : “Anh Viễn”. Đúng là giọng nói uốn éo của anh Viễn. Nhưng anh ấy đang ở đâu. Châu len lỏi, luồn lách để tiến về hướng lễ đài, bất chấp những tiếng xầm xì : “Xí xọn. Tà lạc”.

Anh Viễn không còn là anh thợ hồ giản dị và dễ thương nữa. Anh biến thành vị chủ lễ cao sang và đáng kính. Anh già đi nhiều : Tóc bạc trắng như tóc ông tiên. Cặp môi vẫn uốn éo và cặp mắt vẫn sâu thăm thẳm, nhưng có cái gì rất linh thiêng, rất siêu thoát vẫn cứ bàng bạc, vẫn cứ ẩn hiện.

Châu bị hẫng. Hai mươi năm tìm kiếm. Hai mươi năm đợi chờ. Thế mà xôi hỏng bỏng không. Châu nhắm mắt. Châu gục mặt… Cặp mắt tuyệt vời kia lại xuất hiện. Nhưng không xục xạo, không lần mò trên làn da nõn nà, mà chỉ tỏa sáng và chỉ lung linh. Ánh mắt ấy bao trùm toàn thân của Châu như vòng tay người mẹ ấp ủ. Ấm áp lạ thường.




Pages - Menu